Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM sau Tết Nguyên đán

18:32 22/02/2024

(HMC) – Chiều 22/2, tại Trung tâm Báo chí Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố. Đây là cuộc họp thường kỳ đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải và Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế, Sở Giao thông – Vận tải, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng đô thị, Bộ Tư lệnh Thành phố, Công an Thành phố, Trung tâm Báo chí TPHCM…

Họp báo có sự tham gia của hơn 60 phóng viên, biên tập viên của hơn 40 cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố. Ảnh: THẾ ANH
Họp báo có sự tham gia của hơn 60 phóng viên, biên tập viên của hơn 40 cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố. Ảnh: THẾ ANH

Sẽ có kênh giao tiếp số hợp nhất giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp

Chuyển đổi số là tất yếu trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số thành công sẽ mang tính nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đến năm 2025.

Thành phố sẽ tập trung hoàn thành và cho ra mắt Ứng dụng công dân Thành phố là thông tin đáng chú ý do Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Minh Thành cung cấp. Ảnh: THẾ ANH
Thành phố sẽ tập trung hoàn thành và cho ra mắt Ứng dụng công dân Thành phố là thông tin đáng chú ý do Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Minh Thành cung cấp. Ảnh: THẾ ANH

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Võ Minh Thành, Thành phố đã chọn cho chủ đề năm 2024 là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”.

Để thực hiện chủ đề này, Thành phố định hướng tập trung phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo (AI), trợ lý ảo để giảm tải và tăng năng suất, chất lượng cho cán bộ, công chức tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Cụ thể, 4 ưu tiên chính của chuyển đổi số quốc gia trong năm 2024 bao gồm:

Ưu tiên phát triển dữ liệu số, đây là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số;

Ưu tiên quản trị số, đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của nền kinh tế số;

Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số. Đây sẽ là ngành công nghiệp chủ đạo cung cấp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nội dung số cho phát triển kinh tế số;

Ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo - đây là mặt trận chính cho sự phát triển của nền kinh tế số, mở ra không gian phát triển mới.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, năm nay, Thành phố tập trung hoàn thành và cho ra mắt Ứng dụng công dân Thành phố - kênh giao tiếp số hợp nhất giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp.

Để đảm bảo nguồn nhân lực chuyên môn trong cơ quan nhà nước thực hiện kế hoạch này, trước đó, ngày 30/1, Thành phố thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Chuyển đổi số trực thuộc UBND Thành phố để triển khai thực thi, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các đơn vị trên địa bàn chuyển đổi số.

Vụ ngộ độc Butulinum: Chưa rõ nguồn gốc thực phẩm sử dụng trong bữa tiệc tất niên

Về 2 trường hợp nghi ngộ độc Bututinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam cho hay, hiện tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện. Một trẻ đã cai máy thở và đang theo dõi tại khoa Nội tổng hợp; một trẻ tiếp tục được chăm sóc, theo dõi tại khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt. Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TPHCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định. Hiện chưa có kết quả xét nghiệm.

Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam cho biết, cơ quan chức năng đang phối hợp phân tích nguyên nhân vụ ngộ độc. Ảnh: THẾ ANH
Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam cho biết, cơ quan chức năng đang phối hợp phân tích nguyên nhân vụ ngộ độc. Ảnh: THẾ ANH

Ông Nam chia sẻ thêm, ngay sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 về 2 trường hợp này, Sở Y tế đã phối hợp Sở An toàn thực phẩm điều tra đánh giá nguyên nhân. Qua điều tra dịch tễ, ghi nhận hai trẻ cùng tham gia bữa ăn tất niên chung của 2 gia đình. Trong 7 người tham gia bữa ăn, chỉ có 2 trẻ có triệu chứng. Tất cả thực phẩm trong bữa ăn đều đã sử dụng hết. Về nguồn gốc, thực phẩm mua tại chợ tự phát, người đi chợ không nhớ rõ người bán.

Từ sự việc trên, Sở Y tế khuyến cáo người dân thực hiện đúng các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, như: ăn chín, uống sôi, sử dụng nước sạch trong chế biến, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Đối với thực phẩm chế biến, cần lưu ý nhãn hiệu đầy đủ, còn hạn sử dụng. Đối với thực phẩm đóng hộp, cần quan sát hình dáng bên ngoài hộp: hộp phải sáng bóng, không rỉ sét; hộp kín, không biến dạng và tuân thủ hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của nhà sản xuất.

Thị lực 1/10 không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ

Đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Thành phố tham dự họp báo. Ảnh: THẾ ANH
Đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Thành phố tham dự họp báo. Ảnh: THẾ ANH

Về điều kiện nhập ngũ khi có tật khúc xạ về mắt, Trợ lý Ban Quân y Bộ Tư lệnh Thành phố Nguyễn Đức Chính cho hay, Căn cứ Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Y tế - Bộ Quốc phòng về việc quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự và Thông tư số 148/2018/TT-BQP ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Bộ Quốc phòng về việc quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, thị lực không kính mắt phải: 1/10 và mắt trái: 1/10 được xếp Loại 6. Độ trục (loạn thị) mắt phải: 1,5 Diop và mắt trái: 1,25 Diop cũng xếp Loại 6. Các trường họp này được quy định tại Điều 4, mục 3, Thông tư số 148/2018/TT-BQP về tiêu chuẩn tuyển quân là không đủ tiêu chuẩn nhập ngũ.

Về việc nếu người không đạt sức khỏe nhưng địa phương gửi thông báo “Đã đủ điều kiện nhập ngũ” và “Lệnh gọi công dân nhập ngũ”, đại diện Bộ Tư lệnh Thành phố thông tin, việc khám sức khỏe của công dân do Hội đồng khám sức khỏe cấp quận, huyện, thị xã thực hiện. Nếu công dân không đồng ý với kết quả này thì theo Thông tư 16 nêu trên, Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh có nghĩa vụ giám định khi có yêu cầu khiếu nại liên quan. Lúc này, công dân cần cung cấp bệnh án cũng như các hồ sơ liên quan. Trong vòng 7-10 ngày, Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh sẽ có kết quả giám định.

Cần bổ sung khoảng 100.000 m2 kho, bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm

Sau Tết Nguyên đán, nhiều phương tiện vi phạm an toàn giao thông bị xử lý nghiêm theo quy định, dẫn đến tình trạng quá tải tại các kho bãi tạm giữ phương tiện vi phạm. Trước thực trạng này, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM - Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Ban Giám đốc Công an Thành phố quan tâm theo dõi và đã có nhiều chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp giảm tải cho các kho bãi, tạm giữ xe.

Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM - Thượng tá Lê Mạnh Hà tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH
Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TPHCM - Thượng tá Lê Mạnh Hà tại họp báo. Ảnh: THẾ ANH

Phòng CSGT được giao quản lý, sử dụng 09 vị trí kho, bãi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, với tổng diện tích đất trên 59.000 m2. Tổng số lượng phương tiện đang bị tạm giữ tại 9 kho, bãi gồm: 62 ô tô, 34.072 xe máy 02 bánh, 1.279 xe mô tô ba bánh.

Mặc dù đã cố gắng sắp xếp, tuy nhiên hiện diện tích kho, bãi chưa đáp ứng nhu cầu tiếp nhận, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Nhiều đơn vị thuộc Phòng CSGT còn tận dụng khoảng trống tại trụ sở để làm nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Theo thống kê, hiện nay cần bổ sung khoảng 100.000 m2 kho, bãi để tạm giữ phương tiện vi phạm nếu không có giải pháp quyết liệt.

Do đó, để giảm bớt quá tải, tránh gây lãng phí do xe vi phạm để lâu ngày bị xuống cấp, Phòng CSGT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đồng thời các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ phối hợp về trình tự, thủ tục bán thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Riêng trong năm 2023, Phòng CSGT giao thông đã bán thanh lý 19.105 tang vật, phương tiện vi phạm các loại.

Nghiên cứu tháo dỡ vòng xuyến để lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định

Thông tin tại họp báo, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải Hoàng Phúc Dũng cho biết, tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện đang được tổ chức lưu thông với tốc độ tối đa 80 km/h đối với xe ô tô và xe khách, tối đa 60km/h đối với xe tải và xe container; phần đường hỗn hợp tổ chức lưu thông với tốc độ tối đa 50km/h.

Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải Hoàng Phúc Dũng. Ảnh: THẾ ANH
Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải Hoàng Phúc Dũng. Ảnh: THẾ ANH
Cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh tổ chức lại giao thông khu vực nút giao Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định - Nguyên Hồng.  - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh tổ chức lại giao thông khu vực nút giao Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định - Nguyên Hồng.  - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

Về việc tổ chức lại giao thông tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định (quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh), Sở Giao thông vận tải đã giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ nghiên cứu phương án điều chỉnh, tổ chức giao thông tại khu vực này bằng cách tháo dỡ vòng xuyến, chuyển sang hình thức lắp đặt đèn tín hiệu giao thông.

Phương án điều chỉnh này hiện đã được áp dụng điều chỉnh tại 03 giao lộ khác trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, gồm: Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí; Phạm Văn Đồng - Linh Trung và Phạm Văn Đồng - Kha Vạn Cân.

Huỳnh Nhung - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục