Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM từ ngày 1 - 14/12/2023

20:38 14/12/2023

(HMC) – Chiều 14/12, tại Trung tâm Báo chí Thành phố, Ban tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế- xã hội trên địa bàn Thành phố tuần qua. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì cuộc họp.

Tham dự họp báo có: Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM Nguyễn Đức Lệnh; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) Trần Phú Lữ; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương; Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Sài Gòn Co.op) Lê Trường Sơn; Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM Lê Minh Hải; Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM Nguyễn Quang Huy; Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trương Trung Thu; Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM Thượng tá Lê Mạnh Hà; Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Nguyễn Hải Nam; đại diện UBND TP Thủ Đức, Quận 5, Quận 8, huyện Bình Chánh, Chi cục QLTT; Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Nguyễn Văn Khanh… cùng gần 50 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo chí trên địa bàn TPHCM.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì cuộc họp. Ảnh: HUYỀN MAI
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì cuộc họp. Ảnh: HUYỀN MAI

TPHCM: Tổng lực chuẩn bị phục vụ thị trường Tết

Tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hiện đã có 45 doanh nghiệp tham gia cung ứng, phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các doanh nghiệp đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.500 tỷ đồng hàng bình ổn thị trường.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương thông tin về kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết. Ảnh: HUYỀN MAI
Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương thông tin về kế hoạch cung ứng hàng hóa Tết. Ảnh: HUYỀN MAI

Các mặt hàng bình ổn thị trường chiếm thị phần từ 25-43%; bình quân mỗi tháng dự kiến cung ứng 7.000 tấn gạo, 70 triệu quả trứng gia cầm, 2.000 tấn đường, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 2.000 tấn dầu ăn, 10.000 tấn rau củ quả, 6.000 tấn thịt gia súc, 8.000 tấn thịt gia cầm, 200 tấn thuỷ hải sản…

Đồng thời, doanh nghiệp sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết, tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có)…, kiên quyết không để xảy ra khan hiếm, thiếu hàng hoá, mất cân đối cung cầu.

Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết; thực hiện giảm giá sâu trong 02 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Bên cạnh đó, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng Chương trình Shopping Season đợt 2, đẩy mạnh triển khai giảm giá sâu nhiều mặt hàng, tập trung vào các mặt hàng Tết như: nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...

Đại diện Sở Công Thương khẳng định, đơn vị sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phát huy vai trò quản lý, kiểm soát thị trường, đảm bảo nhu cầu của người dân.

Phát huy vai trò là đơn vị cung ứng hàng hóa thị trường Tết lớn của TPHCM, Saigon Co.op đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng 20-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Tại họp báo, đại diện đơn vị cho biết, phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… Còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.

Ngay từ giữa tháng 12/2023, chương trình Tết của Saigon Co.op mở màn chuỗi hoạt động Tết bằng cách giảm giá trực tiếp từ 50-100% cho hơn 10.000 sản phẩm.

Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM Nguyễn Tiến Đạt cho hay sẽ phối hợp liên ngành để thực hiện nhiệm vụ QLTT. Ảnh: HUYỀN MAI
Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM Nguyễn Tiến Đạt cho hay sẽ phối hợp liên ngành để thực hiện nhiệm vụ QLTT. Ảnh: HUYỀN MAI

Về phía QLTT, Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM Nguyễn Tiến Đạt thông tin, trong dịp trước, trong và sau Tết, đơn vị tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các mặt hàng thực phẩm (sữa các loại, đồ uống, rượu thủ công, bánh kẹo, thực phẩm chế biến,...), phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giầy dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại ... Đặc biệt, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giả bất hợp lý, nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu Tết.

Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM Lê Minh Hải tại họp báo. Ảnh: HUYỀN MAI
Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM Lê Minh Hải tại họp báo. Ảnh: HUYỀN MAI

Về vấn đề an toàn thực phẩm, Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM Lê Minh Hải cho hay, đơn vị đã thành lập 11 đoàn thanh kiểm tra để thực hiện công tác kiểm tra trong thời điểm cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán 2024. Trong đó, chú trọng 2 nội dung chính: đẩy mạnh truyền thông đến các đối tượng người tiêu dùng, cơ sở chế biến, kinh doanh, cơ quan Nhà nước; thanh kiểm tra phân cấp, tập trung ở 3 chợ đầu mối cung ứng thực phẩm cho toàn thành phố, các cơ sở sản xuất, cung ứng ở từng địa phương, chủ yếu ở các mặt bằng: thịt, bia rượu, bánh kẹo...

Đơn vị cũng tập trung phối hợp với QLTT phát hiện, chống hàng gian, hàng giả. Đặc biệt ở các cơ sở phát sinh mới có ý định thu gom sản phẩm và đưa ra trong dịp Tết. Để từ đó, thực hiện giám sát cả về chất lượng và giá cả, đảm bảo quyền lợi của nhân dân.

Công an TPHCM khẳng định không dùng chung ống thổi khi đo nồng độ cồn

Trước phản ánh của người dân về tình trạng lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) không thay ống thổi mới khi đo nồng độ cồn, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP khẳng định, nếu đơn vị, cá nhân nào chưa thực hiện đúng quy định, người dân và phóng viên có thể phản ánh cụ thể về Công an Thành phố để đơn vị kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý.

Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định lực lượng CSGT không dùng chung ống thổi khi đo nồng độ cồn. Ảnh: HUYỀN MAI
Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định lực lượng CSGT không dùng chung ống thổi khi đo nồng độ cồn. Ảnh: HUYỀN MAI

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, hiện công tác kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT TPHCM thực hiện như sau:

- CSGT tiến hành theo phương pháp kiểm tra định tính (dùng phễu để xác định người điều kiển phương tiện có nồng độ cồn trong hơi thở hay không); khi dừng, kiểm tra phương tiện thổi một hơi thở định tính (tốn khoảng 3-5 giây). Nếu không phát hiện nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện được tiếp tục hành trình tham gia giao thông.

- Trong trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý. Tại đây, CSGT dùng máy đo định lượng (máy dùng ống thổi - máy lúc này là dùng mỗi người 1 ống thổi riêng biệt CSGT sẽ lấy, bóc ống thổi trong túi nylon hoặc để người vi phạm tự tay bóc ống thổi ra và cắm vào máy để thổi) nhằm xác định mức độ vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.

- Nếu người dân phát hiện lực lượng CSGT không thay ống thổi mới (bước kiểm tra định lượng) có thể yêu cầu CSGT thay ống thổi khác.

UBND Thủ Đức thông tin vướng mắc tại dự án nâng cấp đường Lương Định Của

Thông tin về tình hình thi công đường Lương Định Của đoạn từ Nguyễn Hoàng đến nút giao An Phú (đường Mai Chí Thọ), ông Nguyễn Quang Chi - Phó Phòng Giao thông công chính UBND TP Thủ Đức cho hay, dự án nâng cấp đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định) khởi công tháng 4/2015, tổng khối lượng đến nay đạt khoảng 85%. Hiện chủ đầu tư đang tổ chức thi công phần đường và nút giao Trần Não - Lương Định Của tại các vị trí đã được UBND TP Thủ Đức bàn giao mặt bằng.

Phó Phòng Giao thông công chính UBND TP Thủ Đức Nguyễn Quang Chi trả lời nội dung báo chí quan tâm. Ảnh: HUYỀN MAI
Phó Phòng Giao thông công chính UBND TP Thủ Đức Nguyễn Quang Chi trả lời nội dung báo chí quan tâm. Ảnh: HUYỀN MAI

Đối với phạm vi công trình từ đường Nguyễn Hoàng đến đường Mai Chí Thọ, dự án đã thi công khoảng 1/3 mặt cắt ngang bên phải tuyến, đến ngày 15/6/2023 thì ngừng thi công phần đất 22.012 m2 nằm trong lộ giới đường Lương Định Của thuộc dự án Khu đô thị phát triển phường An Phú.

Ông Chi thông tin, theo Thông báo 727/TB-VP ngày 13/10/2021 và Thông báo số 305/TB-VP ngày 24/4/2023 của Văn phòng UBND TPHCM, đối với phần đất 22.012 m2 nêu trên, UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND TP Thủ Đức, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, xác định phạm vi, diện tích đất giao thông chiếm dụng của nút giao thông An Phú làm cơ sở đề xuất bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng vào tổng mức đầu tư của dự án Xây dựng nút giao thông An Phú.

UBND huyện Bình Chánh: Khắc phục hạ tầng xuống cấp tại khu đô thị tích hợp Mizuki Park trước Tết Nguyên đán 2024

Đại diện UBND huyện Bình Chánh trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: HUYỀN MAI
Đại diện UBND huyện Bình Chánh trả lời câu hỏi của phóng viên. Ảnh: HUYỀN MAI

Tại họp báo, phóng viên có nêu phản ánh về việc chung cư cao cấp và khu nhà phố liền kề dự án Mizuki Park, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh của Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư xuống cấp rất nặng nề (nền sụp lún, đội cao lên đến hơn nửa mét, rồi tạo thành các hố trũng lớn...), gây ảnh hưởng nghiệm trọng đến cuộc sống của các hộ dân. Thông tin về vấn đề này, bà Phan Thị Bảo Châu - Phó phòng Quản lý đô thị - UBND huyện Bình Chánh cho biết, ngay sau khi nắm thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban có liên quan đến khảo sát thực tế, làm việc với Ban quản trị chung cư và chủ đầu tư về phương án khắc phục vào ngày 18/11/2023.

“Hiện chủ đầu tư đã triển khai thi công khắc phục dự án, dự kiến thời gian hoàn thành sửa chữa sẽ là trước Tết Nguyên Đán”, bà Châu chia sẻ.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai

Tin cùng chuyên mục