Thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM từ ngày 12 đến 18/1/2024

19:12 18/01/2024

(HMC) – Chiều 18/1/2024, tại Trung tâm Báo chí Thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố tuần qua. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải chủ trì cuộc họp.

Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở An toàn thực phẩm, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Tài nguyên và Môi trường (TM-MT), Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ, Công an TPHCM, UBND quận Bình Thạnh, UBND Quận Bình Tân, Trung tâm Báo chí TPHCM…

Họp báo thu hút hơn 40 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài trên địa bàn thành phố tham dự. Ảnh: LINH NHI 
Họp báo thu hút hơn 40 phóng viên, biên tập viên của hơn 30 cơ quan báo, đài trên địa bàn thành phố tham dự. Ảnh: LINH NHI 

TPHCM: Đảm bảo số lượng và kiểm soát chất lượng thực phẩm Tết

Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Lê Minh Hải thông tin, hàng năm TPHCM tiêu thụ hơn 300.000 tấn thịt, 450.000 tấn thủy sản, 1,8-1,9 triệu tấn rau củ quả và 900 triệu trứng gia cầm. Vì sản xuất chỉ đáp ứng 20-30% nên phần lớn nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân TP được nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác. Do đó, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được các cơ quan ban ngành hết sức quan tâm, đặc biệt trong dịp lễ Tết Nguyên đán sắp tới.

Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Lê Minh Hải khuyến cáo người dân không trữ nhiều thực phẩm trong dịp Tết. 
Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm Lê Minh Hải khuyến cáo người dân không trữ nhiều thực phẩm trong dịp Tết. 

Theo kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết, TPHCM tập trung 2 nội dung:

Thứ nhất, tuyên truyền, hướng dẫn đến các cơ sở sản xuất - kinh doanh về việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đến người dân cách chọn lựa và bảo quản thực phẩm an toàn. Ông Hải khuyến cáo, người dân không nên mua quá nhiều thực phẩm. Điều này dễ gây ra việc bảo quản không đúng cách, dẫn đến thực phẩm hư hỏng. Bên cạnh đó, không nên sử dụng lại thực phẩm đã được nấu chín quá lâu.

Thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, đảm bảo các cơ sở sản xuất, kinh doanh cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân. Sở cũng đã thành lập 11 đoàn, thực hiện thanh kiểm tra toàn Thành phố đối với với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

“Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt. Tất cả nhằm đảm bảo người dân có một cái Tết an vui, hạn chế tối thiểu xảy ra các vụ việc ngộ độc do thực phẩm”, lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm đánh giá.

Triệt phá hơn 20 băng nhóm liên quan “tín dụng đen” trong 1 tháng

Thông tin tại họp báo, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP - Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, qua một tháng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán 2024, Công an Thành phố đã triệt phá 24 băng nhóm, 64 đối tượng hoạt động liên quan “tín dụng đen” với thủ đoạn cũ là khủng bố tinh thần người vay, người thân người vay.

Gọi điện đe dọa liên tục, tạt chất bẩn, ghép hình, rải tờ rơi tại nơi làm việc… là những thủ đoạn các nhóm tín dụng đen thường xử dụng, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay. Ảnh: LINH NHI
Gọi điện đe dọa liên tục, tạt chất bẩn, ghép hình, rải tờ rơi tại nơi làm việc… là những thủ đoạn các nhóm tín dụng đen thường xử dụng, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay. Ảnh: LINH NHI

Trong đó, điển hình là Phòng Cảnh sát hình sự đã khám phá chuyên án cướp tài sản và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự với lãi suất lên đến 360%/năm để thu lợi bất chính hàng tỷ đồng; khi con nợ chậm trả tiền, các đối tượng tìm đến nhà dùng súng công cụ hỗ trợ uy hiếp, đánh người để siết tài sản và bắt ép phải viết giấy nhận nợ.

Bên cạnh đó, Công an Thành phố tiếp tục phối hợp các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nhân dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng liên quan đến “tín dụng đen”.

Nhà xe Thành Bưởi bị dừng nhưng vẫn bán vé: Sở GTVT đề nghị Sở TT-TT vào cuộc

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An, “xe dù, bến cóc” vẫn là tình trạng diễn ra trên cả nước. Lý do chính dẫn đến tình trạng này là những quy định về dừng, đỗ xe hiện nay còn lỏng lẻo, chưa chi tiết, giúp các doanh nghiệp dễ dàng “lách luật”.

Phó Giám đốc Sở GtTVT Bùi Hòa An tại họp báo. Ảnh: LINH NHI
Phó Giám đốc Sở GtTVT Bùi Hòa An tại họp báo. Ảnh: LINH NHI

“Nhằm chấn chỉnh tình trạng ‘xe dù, bến cóc’, Thành ủy TPHCM đã có Chỉ thị quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng ngành, địa phương. Do đó, Sở mong muốn các đơn vị phát huy vai trò của mình, giúp tình trạng trên có chuyển biến tốt”, ông An đề nghị và thông tin thêm, sau khi Chỉ thị của Thành ủy có hiệu lực, số lượng “bến cóc, xe dù” trên địa bàn đã giảm từ 76 còn 60 điểm.

Liên quan đến thông tin nhà xe Thành Bưởi đang bán vé trên mạng, Phó Giám đốc Sở GTVT khẳng định, hiện nhà xe này vẫn còn trong thời hạn xử phạt. Thành Bưởi chỉ được phép làm các thủ tục kinh doanh khác từ ngày 3/2/2024.

“Sở đã có văn bản gửi Sở Thông tin Truyền thông lưu ý trường hợp này, có biện pháp xử lý nếu hành vi của nhà xe có vi phạm pháp luật.”, ông An cho biết.

TPHCM: Ô nhiễm không khí vượt chuẩn nhưng chưa đáng lo ngại

Trước phản ánh của báo chí về tình trạng ô nhiễm những ngày qua làm trời mù, không khí ngột ngạt, Trưởng phòng quản lý chất thải rắn Sở TM-MT Trần Nguyên Hiền cho hay, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến bụi.

Đại diện Sở TM-MT nhận định tỷ lệ vượt chuẩn ô nhiễm không khí tại TP ở mức thấp. Ảnh: LINH NHI
Đại diện Sở TM-MT nhận định tỷ lệ vượt chuẩn ô nhiễm không khí tại TP ở mức thấp. Ảnh: LINH NHI

Theo kết quả quan trắc của Sở TM-MT, có thời điểm nồng độ ô nhiễm bụi tổng và bụi mịn (PM10, PM2.5) vượt ngưỡng cho phép, nhưng tỷ lệ vượt chuẩn nhỏ hơn 10%, chủ yếu ở các nguồn thải giao thông.

Cụ thể, trong tháng 12/2023, mẫu bụi tổng vượt chuẩn 9,38%, tập trung ở 3 nút giao thông: Cát Lái, An Phú và Lê Đại Hành; bụi mịn vượt chuẩn 4,4%, ở nút giao thông Cát Lái và Bà Quẹo. Đa phần các mẫu vượt chuẩn ở thời điểm 7h30-8h30 sáng – thời điểm phương tiện giao thông lưu thông nhiều.

Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm cũng do một phần hoạt động chuyên chở xây dựng, cùng với các yếu tố yếu tố khác như điều kiện tự nhiên, địa hình bức xạ mặt trời, khí tượng…

Mặc dù tỷ lệ vượt chuẩn thấp nhưng đại diện Sở TM-MT cho rằng vẫn cần tập trung các giải pháp kiểm soát. Bên cạnh đề án tổng thể của TP trong giai đoạn từ nay đến 2030, ông Hiền cho biết, ngành chức năng TP sẽ thường xuyên quan trắc, theo dõi để có các giải pháp cụ thể phù hợp; đồng thời, phối hợp Sở GTVT tìm hướng giảm thiểu ô nhiễm ở những nút giao thông có tỷ lệ ô nhiễm vượt chuẩn.

TPHCM đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội, quy mô gần 4.000 căn hộ

Theo Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Mai Thanh Tùng, TPHCM đang triển khai 6 dự án nhà ở xã hội với diện tích đất 9,36 ha, 298.714 m2 sàn xây dựng, quy mô 3.956 căn hộ (trong đó có 4 dự án chuyến tiếp từ giai đoạn 2016-2020).

37 dự án nhà ở xã hội của TPHCM đang được hoàn tất thủ tục pháp lý là thông tin đáng chú ý do đại diện Sở Xây dựng cung cấp tại họp báo. Ảnh: LINH NHI
37 dự án nhà ở xã hội của TPHCM đang được hoàn tất thủ tục pháp lý là thông tin đáng chú ý do đại diện Sở Xây dựng cung cấp tại họp báo. Ảnh: LINH NHI

Đại diện Sở Xây dựng nhận định, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp trên địa bàn là rất lớn. Thời gian qua, thành phố rất nỗ lực phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Theo đó, thành phố triển khai 1 dự án nhà lưu trú công nhân với diện tích đất 2,01 ha, 93.932 m2 sàn xây dựng, quy mô 1.040 phòng tại Cụm công nghiệp Phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhìn nhận, các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục liên quan khác...

Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được; thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 mất nhiều thời gian;... các dự án nhà ở phục vụ cho công nhân có vốn đầu tư lớn, ngoài chi phí xây dựng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố cũng khá cao, trong khi thời gian thu hồi vốn khá lâu (10-15 năm), nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư …

Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý đối với 37 dự án nhà ở xã hội (trong đó có 7 dự án đang thi công và 30 dự án hoàn tất thủ tục pháp lý) với quy mô khoảng 35.000 căn, đảm bảo các điều kiện để triển khai thi công xây dựng; Phấn đấu đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng 13 dự án với quy mô khoảng 12.000 căn nhà ở xã hội 13 dự án, nhà lưu trú công nhân.

Huỳnh Nhung - Huyền Mai - Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục