Tình trạng xây dựng trái phép, sai phép tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 36,9%

17:24 12/12/2019

Sáng 12/12/2019, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Chỉ thị 23 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị
Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

Tham dự hội nghị còn có Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Xây dựng Hoàng Hải; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Văn phòng Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, lãnh đạo các Quận-Huyện ủy…

Trình bày báo cáo của UBND Thành phố về kết quả 3 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xâu dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là Chỉ thị 23), Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Hòa Bình cho biết, sau hơn 4 tháng triển khai đồng bộ Chỉ thị số 23 trên toàn thành phố, tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố có chuyển biến tích cực, cụ thể: Số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố sau khi thực hiện Chỉ thị 23 (tháng 7, 8, 9, 10) là 804 công trình (sai phép 309 công trình, không phép 495 công trình), bình quân 5,4 vụ/ngày, nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 (8,5 vụ/ngày) thì số vụ vi phạm giảm 3,1 vụ/ngày, tỉ lệ giảm là 36,9%.

Từ kết quả đạt được, UBND TP kiến nghị Thường trực Thành ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sở, ban – ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, tạo chuyển biến tích cực trong ý thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện theo Chỉ thị số 23; Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tình hình xây dựng trên địa bàn thành phố, đảm bảo 100% công trình xây dựng trên địa bàn thành phố được kiểm tra và xử lý kịp thời, đúng quy đinh; nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; tiếp tục kéo giảm tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra các sai phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng. Thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…; Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách pháp của của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng; Nâng cao vai trò của hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát huy vai trò phản biện xã hội, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện lãnh đạo quận Tân Bình - quận có số vụ vi phạm giảm mạnh so với trước đó (71%) cho biết, để làm tốt công tác quản lý trật tự xây dựng cần: duy trì nghiêm chế độ giao ban hàng tháng về nhiệm vụ này để rà soát tình hình; chủ động tham mưu ban thương vụ sơ kết bước đầu; phối hợp cùng mặt trận tổ chức hội nghị chuyên đề về nội dung này nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên; tập trung vận động người dân cùng tham gia thực hiện tốt về quản lý trật tự xây dựng. Thời gian qua, quận Tân Bình đã tổ chức tổng rà soát những vi phạm; tăng cường kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các công trình, dự án có vi phạm; cải tiến thủ tục cấp phép; tuyển cộng tác viên thực hiện các nhiệm vụ này.

Để làm tốt hơn công tác quản lý trật tự xây dựng, quận Tân Bình kiến nghị Thành phố có chủ trương tăng mức hỗ trợ cho các cộng tác viên; sớm chuyển đội thanh tra địa bàn về quận, huyện; cho phép cắt điện, nước với công trình sai phạm (công trình người dân chưa ở)…

Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Chỉ thị 23
Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Chỉ thị 23

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện huyện Nhà Bè cho biết, sau khi thực hiện Chỉ thị 23, Huyện ủy Nhà Bè đã ban hành nghị quyết nhằm chấn chỉnh tình trạng xây dựng không phép, sai phép. Để làm tốt hơn nữa công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, trong thời gian tới, huyện Nhà Bè sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp để hướng dẫn hơn 3.000 đảng viên của toàn huyện cùng vào cuộc thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, huyện Nhà Bè cho rằng cần cải cách thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng… và các thủ tục khác trong lĩnh vực xây dựng; Tăng cường số hóa bản đồ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý; ngăn chặn từ đầu các vụ vi phạm, để không phát sinh các vụ việc vì việc xử lý, vận động chấp hành từ đầu sẽ đơn giản hơn việc xử lý vụ việc đã xảy ra.

Đại diện huyện Nhà Bè cũng kiến nghị Thành phố cho phép thực hiện đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng đất 1 năm 2 lần (hiện nay 1 năm 1 lần) để tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục nhanh hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan cho rằng, đẻ xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng sai phép, không phép như thời gian qua có lỗi từ nhiều phía, gồm có cả cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng, bản thân nhà đầu tư… Tất cả các bên liên quan dẫn đến vi phạm xây dựng không phép, sai phép đều phải có trách nhiệm điều chỉnh hành vi cho đúng. Cán bộ, công chức, phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đề xuất xem xét những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của thành phố; ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính… và các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực bất động sản phải điều chỉnh, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan nêu rõ, việc quản lý trật tự xây dựng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, quy hoạch của địa phương. Nếu quản lý không tốt sẽ gây bức xúc cho người dân, dẫn tới những điểm nóng của thành phố. Vì vậy, phải kiên trì, kiên quyết, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ này; cán bộ đảng viên phải làm gương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về trật tự xây dựng.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố cần tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ những mặt tích cực và việc làm chưa tốt trong quản lý trật tự xây dựng. Sở Xây dựng cần công bố công khai tất cả các sai phạm để người dân biết và giám sát. Đồng thời, các ngành liên quan cần lưu ý kiến nghị của đại diện quận Tân Bình về chi lương cho lực lượng thanh tra, cộng tác viên làm công tác quản lý trật tự xây dựng; giao Sở Tài nguyên Môi trường nghiên cứu kiến nghị của huyện Nhà Bè về đăng ký kế hoạch quyền sử dụng đất 1 năm 2 lần. Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố cũng cần hỗ trợ các Sở Xây dựng, Tài nguyên Môi trường và Sở Quy hoạch Kiến trúc tích hợp nguồn lực, xây dựng khung tiêu chí cung cấp cho người dân có thể kiểm tra trên mạng được tình trạng đất đai của mình thế nào.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Qua hơn 4 tháng triển khai Chỉ thị 23 đã thấy rõ việc vi phạm về trật tự xây dựng có sự tiến bộ rõ rệt. Trong 24 quận huyện đã có 7 quận huyện có mức độ giảm hơn 50%, 13 đơn vị giảm 2-45%. Riêng với 9 quận - huyện có 100 trường hợp sai phạm trở lên, cần phân tích sâu để làm rõ, tìm giải pháp khắc phục. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo ngành tài chính thành phố cần tham mưu ngay các vận dụng chính sách tài chính để bảo đảm thu nhập cho đội ngũ cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ này.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 23 trong thời gian qua đã rút ra được một số bài học:

Đó là: Cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu trong chấp hành pháp luật. Một số quận huyện đã tự rà soát, kiểm điểm trách nhiệm của mình. Cán bộ đảng viên phải thấu hiểu bức xúc của người dân và tìm cách để giải quyết. Thời gian qua Sở Xây dựng TP đã có ký kết phối hợp với các quận huyện, các ngành khác liên quan cũng nên xem xét có cần có ký kết như vậy với các quận huyện không.

Từ kinh nghiệm của các quận, huyện thành công trong công tác quản lý trật tự xây dựng là sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy. Nếu xảy ra sai phạm nhiều, người chịu trách nhiệm cuối cùng là cấp ủy. Vì vậy cấp ủy ở các đơn vị còn để số vụ vi phạm tăng cần nghiên cứu để năm 2020 chấm dứt tình trạng này. Theo Bí thư Thành ủy, bên cạnh bản đồ chung của thành phố, thời gian tới cần có bản đồ 3 lớp, gồm: bản đồ quy hoạch, bản đồ sử dụng đất, bản đồ cấp phép xây dựng. Trên giấy phép xây dựng khi cấp cần có mã code để người dân có thể kiểm tra.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo, đến hết tháng 12 cần phân loại xong các vi phạm về trật tự xây dựng để xử lý dứt điểm những công trình vi phạm. Đồng thời, cuối tháng triển khai xong sổ tay xây dựng xuống tới cơ sở. Với những nơi có mức độ giảm nhiều: Quận 2, quận 3, Quận 7, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, các đơn vị còn lại cần có trao đổi để học tập các giải pháp các đơn vị này đã thực hiện.

Sau Hội nghị sơ kết này, Bí thư Thành ủy đề nghị các phường xã cần có báo cáo hàng tuần về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, hàng tháng các quận huyện cần có báo cáo Sở Xây dựng và UBND Thành phố về quản lý trật tự xây dựng để thấy rõ hơn về những chuyển biến trong quản lý trật tự xây dựng.

Phú An

Tin cùng chuyên mục