Tổng hợp thông tin báo chí liên quan đến TP. Hồ Chí Minh ngày 11/12/2019

11:43 11/12/2019

Trên các báo ra ngày 11/12/2019 có nhiều thông tin liên quan đến TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Báo chí TP tổng hợp một số thông tin nổi bật:

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri quận 10. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri quận 10. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: Vào con đường tham nhũng là không có lối ra

Đó là khẳng định của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 10, diễn ra chiều 10/12.

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ đau xót về việc hàng loạt cán bộ, nhất là các cán bộ cấp cao có sai phạm bị xử lý trong thời gian qua. Song, cử tri cho rằng, tham nhũng là quốc nạn, cần phải xử lý quyết liệt hơn, nghiêm khắc hơn. Bên cạnh đánh giá cao về kết quả phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, các cử tri mong mỏi, công tác này sẽ tiếp tục được tập trung , trong đó có bổ sung hình phạt nghiêm khắc hơn.

Chia sẻ với cử tri, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; công tác phòng chống tham nhũng đã có những tiến bộ vượt bậc, đem lại niềm tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc xử lý các cán bộ sai phạm là rất đau lòng nhưng nhất định phải thực hiện vì vừa trực tiếp xử lý vi phạm, vừa tạo răn đe đối với các trường hợp khác. Điều này cũng khẳng định, những ai đi vào con đường tham nhũng là không có lối ra, không có lối thoát.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đối với các sai phạm này đòi hỏi quá trình củng cố chứng cứ về hành vi vi phạm nên thời gian xử lý có thể kéo dài. Thông tin thêm về hình thức xử lý, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, cán bộ nhận hối lộ ở một mức nào đó vẫn có thể sẽ bị tử hình. 

Cùng ngày, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng có buổi tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè. Tại đây, cử tri tập trung phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến bồi thường, giải tỏa, bố trí tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thay mặt tổ đại biểu, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận xét các bức xúc của người dân chủ yếu về vấn đề quy hoạch, đất đai, bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư là chính đáng.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè. Ảnh: VIỆT DŨNG/SGGP

Trước lượng thông tin cử tri huyện Nhà Bè tập trung phản ánh về những bức xúc liên quan trực tiếp đến quyền lợi riêng, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, lưu ý hệ thống Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể cần thể hiện vai trò tốt hơn. Phương châm đặt ra là ở đâu, đồng bào bà con còn băn khoăn, bức xúc về hoạt động của chính quyền, cấp ủy thì ở đó Mặt trận Tổ quốc phải thể hiện vai trò là đại diện tiếng nói và là chỗ dựa cho người dân. Chức năng của Mặt trận Tổ quốc là phải nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó góp phần đôn đốc chính quyền địa phương giải quyết.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu huyện Nhà Bè phải quyết liệt rà soát, phân loại các dự án đang triển khai trên địa bàn. Từ đó, huyện phải trả lời dứt khoát cho người dân sẽ tiếp tục thực hiện dự án hay thu hồi dự án? Đề cập đến những bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, điều này dẫn đến thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ và giải quyết tái định cư kéo dài. Do đó, TP. Hồ Chí Minh kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo quy trình rút gọn. TP. Hồ Chí Minh sẽ sớm thực hiện thí điểm quy trình rút gọn này, nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người dân có liên quan.

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).

Chia lại “chiếc bánh” ngân sách: Quá khó?

Đó là nhan đề bài viết trên mục Sự kiện và Dư luận của báo Tuổi Trẻ số ra hôm nay. Liên quan đến việc TP. Hồ Chí Minh đề xuất tăng tỉ lệ ngân sách được giữ lại để phát triển, báo này đặt ra câu hỏi liệu “chiếc bánh” ngân sách sẽ được chia lại ưu tiên cho đầu tàu kinh tế hay tiếp tục cách điều tiết xin – cho lâu nay? Đồng thời trích dẫn ý kiến của các chuyên gia xung quanh câu chuyện này.

Nhà ga Bến Thành, điểm kết nối tuyến metro số 1 và số 2, TP.HCM. TP.HCM cần vốn lớn để làm nhanh các dự án giao thông công cộng/ Ảnh: Quang Định (báo Tuổi Trẻ)
Nhà ga Bến Thành, điểm kết nối tuyến metro số 1 và số 2, TP.HCM. TP.HCM cần vốn lớn để làm nhanh các dự án giao thông công cộng/ Ảnh: Quang Định (báo Tuổi Trẻ)

Theo PGS.TS Võ Trí Hảo (Trưởng khoa Luật, ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh), việc phân bổ, điều tiết nguồn ngân sách phải đảm bảo đồng thời đạt được hai mục tiêu: khuyến khích tự chủ, sáng tạo của địa phương và đảm bảo mức sống đồng đều giữa các địa phương. Tuy nhiên, mô hình phân bổ ngân sách của Việt Nam hiện nay có nhiều bất cập. Việc để các thành phố như TP. Hồ Chí Minh làm nhiều nhưng lại được điều tiết tỉ lệ thấp sẽ không tạo động lực để các tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Các địa phương này cũng bị động trong kế hoạch tài chính phát triển địa phương.

Ngược lại, có thực tế các tỉnh nghèo dùng vốn ngân sách "xây tượng đài" thay vì đầu tư để phát triển kinh tế. Cách giải quyết "xin - cho" ngân sách theo tỉ lệ phần trăm điều tiết sẽ không bao giờ giải quyết tận gốc được bất cập nêu trên. Bởi, nếu tăng tỉ lệ điều tiết cho Thành phố sẽ phải giảm các tỉnh khác. Các tỉnh này dù không làm ra nhiều tiền nhưng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ trọng trách quốc gia, do vậy họ cũng sẽ có ý kiến.

Gần quan điểm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Phó Trưởng bộ môn Phân tích Chính sách tài chính, Học viện Tài chính) cho rằng, trong điều kiện nguồn lực ngân sách hiện nay, cần phải tập trung nguồn lực để tạo động lực phát triển cho các thành phố lớn trước. Phân bổ đồng đều ngân sách như hiện nay về lâu dài sẽ khiến các địa phương không có đủ nguồn lực để phát triển hạ tầng. Hạ tầng tắc nghẽn kéo theo mọi thứ nghẽn thì không sửa chữa kịp.

Để giải quyết "điểm nghẽn" này, trước mắt cần phải thiết kế cơ chế riêng cho một số tỉnh, thành đang phát triển như TP. Hồ Chí Minh có thẩm quyền ban hành, thay đổi, điều chỉnh một số loại thuế suất đặc thù. Đó có thể là các loại thuế, phí đặc thù liên quan đến cư trú, giao thông... Khi đó các địa phương này sẽ có nguồn thu riêng phục vụ cho đầu tư, phát triển.

Còn theo TS Vũ Đình Ánh (chuyên gia kinh tế) thì dù đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách Thành phố rất phù hợp, đã nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Thành phố hiện là đầu tàu kinh tế của cả nước với đóng góp 25% tổng số thu ngân sách, 30% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; số lượng doanh nghiệp ở Thành phố cũng đông nhất. Nhưng trách nhiệm của đầu tàu là phải kéo các toa tàu. Do đó, việc tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố trong giai đoạn tới cần đặt trong tổng thể cơ cấu ngân sách của cả nước. Để đảm bảo nguồn đầu tư hạ tầng, lãnh đạo Thành phố có thể đề xuất nguồn vốn từ ngân sách trung ương, từ vốn ODA cho các dự án trên địa bàn.

Nhiều căn nhà ở TP. Hồ Chí Minh đang "chìm" vào lòng đất

Thông tin từ báo Người Lao động, theo báo cáo mới nhất của các cơ quan chuyên môn, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh là nơi được cho là lún nghiêm trọng nhất phía Tây, kết quả quan trắc trong 10 năm cho thấy tại đây lún đến 81,4 cm, kéo các căn nhà ngày càng xuống thấp.

Căn nhà cấp 4 diện tích 70 m2, xây dựng với chi phí gần 2 tỉ đồng của bà Võ Thị Thu (47 tuổi) ở cuối đường Lâm Hoành, quận Bình Tân, giờ đây ai vào cũng sợ. Nhìn từ bên ngoài sẽ thấy cỏ mọc cao hơn đầu người, nước mưa ngập úng cả sân. Nền nhà sụt lún, tường và mái ngói nứt toác.

Căn nhà của bà Thu trên đường Lâm Hoành, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM bị nghiêng hẳn về một bên, tường và nền nứt toác/ báo Người Lao Động
Căn nhà của bà Thu trên đường Lâm Hoành, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM bị nghiêng hẳn về một bên, tường và nền nứt toác/ báo Người Lao Động

Theo tìm hiểu, ở khu vực nhà bà Thu, nhà nào cũng lún, chỉ khác nhau là ít hay nhiều. Ai cũng thi nhau nâng nền bởi nhà ngày càng thấp hơn mặt đường. Có hộ 5 năm trước "một phát" nâng nền lên 2 m nhưng giờ thì nhà cách mặt đường chưa đến 3 gang tay.

Không chỉ nhà dân, thời gian qua, hiện tượng sụt lún còn đe dọa cả trụ sở UBND phường An Lạc. Tình trạng sụt lún nghiêm trọng cũng xảy ra ở đường An Dương Vương, phường An Lạc.

PGS-TS Lê Văn Trung, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa bản đồ TP. Hồ Chí Minh, thông tin thêm tình trạng lún không chỉ đang đe dọa khu dân cư cửa ngõ phía Tây TP HCM mà còn xảy ra ở các hướng khác gồm Nam Sài Gòn (quận 7, huyện Nhà Bè), kế đến là quận Thủ Đức và cả một phần quận 12, quận 2.

Về giải pháp, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, đề nghị các đơn vị kiểm tra thường xuyên việc người dân lén lút sử dụng nước ngầm. Nếu phát hiện thì lập biên bản xử phạt với mức nặng để ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép. Ngoài ra, phối hợp với đơn vị cung cấp nước máy để giảm thiểu tình trạng cạn kiệt nước ngầm gây lún.

Theo TS Vũ Ngọc Long, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam, ngoài khai thác nước ngầm, nguyên nhân sụt lún còn xuất phát từ mật độ xây dựng quá nhiều tạo nên một khối bê-tông đè nén lên mặt đất. Trong khi nhiều khu dân cư trước kia là đồng ruộng dẫn đến độ rỗng địa chất bị nén gây ra lún. 

"Tiền khắc phục chống lún rất tốn kém. Giải pháp tốt nhất và mang tính bền vững là phải quy hoạch lại. Đặc biệt là giữ hệ sinh thái để thoát nước. Khuyến khích người dân sử dụng nước máy để bảo đảm nền đất" - TS Vũ Ngọc Long nêu giải pháp.

Kiến trúc sư Trần Vĩnh Nam, chuyên gia quy hoạch, đưa ra giải pháp đến từ cách làm của Nhật Bản. Đó là thành phố Tokyo - Nhật Bản từng bơm nước vào nền đất để ngăn chặn việc "chìm", kết hợp cấm dùng nước ngầm. Đến nay giải pháp mà Nhật Bản thực hiện đã "cứu" được thành phố Tokyo. 

Thu nhập tăng thêm… làm khó giáo viên

Từ chối làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn vì giảm thu nhập, lo ngại phân công công việc và đánh giá theo cảm tính... là tâm tư của giáo viên trước những quy định trong hướng dẫn chi trả thu nhập tăng thêm tại TP. Hồ Chí Minh. Đó là nội dung bài viết trên báo Thanh Niên.

Theo đó, từ tháng 3/2018, Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua Nghị quyết 03 quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý. Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên sẽ thụ hưởng hệ số để tính thu nhập tăng thêm tại từng đơn vị tối đa của năm 2018 là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Lộ trình hệ số thực hiện cơ chế đặc thù này của năm 2019 là 1,2 và năm 2020 là 1,8. Chi trả thu nhập tăng thêm của năm nào thì căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hằng quý, hằng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, đến ngày 22/7/2019, UBND Thành phố ban hành Văn bản số 2980/UBND-VX về việc hướng dẫn chi trả thu nhập tăng thêm, trong đó có quy định đối với trường hợp nghỉ hè của công chức, viên chức ngành giáo dục, thu nhập tăng thêm được tính bằng tổng tiền lương theo ngày thực tế làm việc nhân với hệ số chi thu nhập tăng thêm được hưởng. Trong đó, số ngày làm việc thực tế là số ngày công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử, phân công (bằng văn bản) tham gia các hoạt động chuyên môn của ngành, của đơn vị.

Điều này có thể nảy sinh bất cập, vì không tránh khỏi cảm tính trong việc hiệu trưởng sắp xếp công việc để người thân với mình có điều kiện tăng thu nhập. Chưa kể đến việc do đặc thù của ngành, trong thời gian nghỉ hè, một số giáo viên tham gia công tác thi, tập huấn, học chính trị… thì số ngày hưởng thu nhập tăng thêm tính trên số ngày tham gia công tác. Trong khi đó, bộ phận văn phòng, học vụ làm công tác hành chính thì được hưởng trọn ngày công trong thời gian hè.

Cũng liên quan đến chính sách thu nhập tăng thêm, văn bản số 3728/QĐ-UBND của UBND tỉnh nêu rõ: “Tỷ lệ mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 50% số lượng lãnh đạo của cơ quan, đơn vị” đối với tất cả những người đang được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định và làm tròn lên là 01 nếu điều kiện tỷ lệ 50% số lượng lãnh đạo của cơ quan, đơn vị có số dư bằng hoặc lớn hơn 0,5.

Từ quy định trên, một hiệu phó trường THPT tại quận Thủ Đức cho hay: quy định khống chế số lượng lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu suất làm việc, ghi nhận năng lực cá nhân. Tuy nhiên, với đặc thù riêng của ngành giáo dục sẽ dễ nảy sinh những bất cập. Việc khống chế tỷ lệ 50% nói trên không chỉ dẫn đến kết quả “đánh giá không chất lượng” như lời của một số người đứng đầu nhà trường mà còn khiến giáo viên không muốn làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn.

Theo quy định về tài chính, mỗi tháng, phụ cấp chức vụ của tổ trưởng chuyên môn là 0,25% mức lương cơ bản và tổ phó chuyên môn là 0,15%. Tính ra mỗi tháng nhận thêm chưa đến 300.000 đồng, nhưng khi áp tỷ lệ tính thu nhập tăng thêm thì giới hạn 50% sẽ khiến một trong 2 người phụ trách tổ bị giảm vài triệu đồng. Vì vậy, những người đang nhận nhiệm vụ này không mặn mà vì nếu là giáo viên, giỏi chuyên môn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, họ sẽ nhận tối đa hệ số thu nhập tăng thêm và không bị khống chế về tỷ lệ.

Bệnh viện quá tải vì nhiều trẻ mắc bệnh đường hô hấp

Thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng vào buổi trưa, lạnh về đêm và sáng sớm; bên cạnh đó là tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi đã khiến nhiều trẻ nhỏ, học sinh mắc các bệnh về đường hô hấp. Theo đó các bệnh viện nhi trên địa bàn Thành phố những ngày này quá tải nặng.

Rất đông phụ huynh đưa con đến BV Nhi đồng 1, TP.HCM khám bệnh về hô hấp/ báo Giáo Dục TPHCM
Rất đông phụ huynh đưa con đến BV Nhi đồng 1, TP.HCM khám bệnh về hô hấp/ báo Giáo Dục TPHCM

Theo BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 thì thời gian gần đây số bệnh nhân nhập viện tăng nhanh, nhất là bệnh hô hấp như viêm hô hấp, viêm phế quản tăng... Đối với các ông bố, bà mẹ khi thấy con hắt hơi, sổ mũi, sốt, khò khè, ho… tuyệt đối không được tự ý mua thuốc cho con uống khi chưa được bác sĩ thăm khám bởi nguy cơ dẫn đến kháng kháng sinh ở trẻ; thậm chí nếu bệnh diễn tiến nặng, trẻ sẽ ho nhiều hơn, sốt cao, khó thở có thể dẫn đến tím tái, co giật…

Để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày thời tiết giao mùa, các bậc cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ, mặc đồ ấm trước khi ra đường, nên cho trẻ tắm bằng nước ấm, không để nhiệt độ điều hòa trong nhà quá thấp. Cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, cần giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ. Khi trẻ có những biểu hiện bệnh như: hắt hơi, sổ mũi, sốt, khò khè, ho, ho kèm theo gồng người… cần đưa đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi hoặc hô hấp.

Bên cạnh các bệnh nhi viêm phổi, viêm tiểu phế quản do nhiễm lạnh, hiện nay tại các Khoa Hô hấp đang điều trị cho nhiều bệnh nhi bị viêm tiểu phế quản do virus hợp bào hô hấp, bệnh có sự gia tăng so với trước đây.

Virus hợp bào hô hấp cùng họ với virus sởi, là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp, bệnh tăng mạnh khi giao mùa hoặc mùa mưa và thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Khi trẻ bị virus hợp bào hô hấp tấn công, trong hai ngày đầu thường chỉ chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém... như bệnh cảm cúm, nhưng đến những ngày tiếp theo, trẻ ho nhiều, khò khè, khó thở. Tiếp đến các cơn ho kéo đến rất dữ, ho liên tục như ho gà, thở hắt giống hen suyễn, thở nhanh, co lõm lồng ngực, nguy cơ tử vong rất cao. Trẻ dưới sáu tháng tuổi, trẻ sinh non, mắc các bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch... có nguy cơ nhiễm virus hợp bào hô hấp cao, bệnh sẽ nặng hơn những trẻ khác. Theo thống kê, có đến 50% trẻ mắc virus hợp bào hô hấp bị tái đi tái lại, biến chứng hen suyễn, rối loạn miễn dịch và tổn thương hệ hô hấp dẫn đến thuyên tắc phổi.

(Theo báo Giáo Dục TP. Hồ Chí Minh)

Gần 3.200 cơ hội việc làm cho người lao động

Đáp ứng nhu cầu tìm việc của người lao động, ngày 11 và 12/12, Trung tâm Dịch vụ Việc làm (DVVL) TP. Hồ Chí Minh tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 3.200 lao động.

Người lao động tìm hiểu công việc tại sàn việc làm do Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM tổ chức/báo Người Lao động
Người lao động tìm hiểu công việc tại sàn việc làm do Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP HCM tổ chức/báo Người Lao động

Cụ thể, ngày11/12, tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm DVVL TP tổ chức sàn việc làm cố định với 18 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp 949 lao động ở các vị trí: nhân viên tài chính, lao động phổ thông, thực tập sinh, kỹ thuật (cơ khí, điện - điện tử), công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, kế toán - kiểm toán, nhân viên văn phòng, lái xe, bảo vệ, tổng đài viên, xây dựng, kiến trúc…

Ngày 12/12, sàn giao dịch việc làm lưu động sẽ diễn ra tại Chi nhánh Bảo hiểm thất nghiệp quận 4 (249 Tôn Đản, phường 15, quận 4, TP. Hồ Chí Minh).

Ban tổ chức cho biết đến hiện tại đã có 12 đơn vị đăng ký tham gia phỏng vấn, tuyển dụng trực tiếp 1.250 lao động và top 3 nhu cầu tuyển dụng thuộc về vị trí: nhân viên bảo vệ (400 người), thực tập sinh (300 người), kinh doanh và quản lý (220 người).

Đặc biệt, thông qua Cổng Thông tin việc làm quốc gia http://vlhcm.vieclamvietnam.gov.vn và Cổng Thông tin việc làm TP. Hồ Chí Minh http://vieclamhcm.net, người lao động có thể tiếp cận gần 1.000 cơ hội việc làm từ 199 doanh nghiệp đăng tuyển.

(Theo báo Người Lao động).

TP. Hồ Chí Minh tổ chức hơn 160 chợ hoa Tết Canh Tý 2020

Theo đó, với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Vững tin tiến bước”, Hội hoa xuân năm nay sẽ được tổ chức trong 12 ngày, từ ngày 19 đến 30-1-2020, tại Công viên Tao Đàn (phường Bến Thành, quận 1).

Phối cảnh 3D tạo hình chuột trên trục đường Nguyễn Huệ trong Tết Nguyên Đán 2020. Ảnh: Saigontourist.
Phối cảnh 3D tạo hình chuột trên trục đường Nguyễn Huệ trong Tết Nguyên Đán 2020. Ảnh: Saigontourist.

TP. Hồ Chí Minh còn tổ chức các chợ hoa tết quy mô cấp thành phố tại các công viên: 23 Tháng 9 (quận 1) với 700 lô, tập trung mua bán các loại cây, hoa cảnh cao cấp; Gia Định (Tân Bình) là 800 lô; Lê Văn Tám (quận 1) là 300 lô. Ngoài ra, hơn 160 chợ hoa tết cũng được tổ chức tại các quận, huyện. 

Hội chợ hoa nhằm tạo điều kiện cho người dân và du khách đến TP. Hồ Chí Minh đón Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

(Theo báo Sài Gòn Giải Phóng).

Sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được học cùng lúc 2 ngành

PGS.TS Đinh Đức Anh Vũ - Trưởng ban Đại học, Đại học (ĐH) Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay sinh viên các trường của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có thể học hai ngành một lúc trong cùng một trường. Đào tạo song ngành chắc chắn sẽ là một xu thế tất yếu không chỉ đối với giáo dục ĐH tại Việt Nam, và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đang quyết liệt để thực hiện chương trình đào tạo mới này, ông Vũ cho hay.

Trước đó, hội đồng ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức kỳ họp thứ 9, khóa IV, cùng thảo luận tám báo cáo, đề án thực hiện trong thời gian tới. Hội đồng đề nghị Viện Môi trường và Tài nguyên chỉnh sửa bổ sung đề án chuyển đổi mô hình viện thành học viện để tăng tính thuyết phục.  Hội đồng cũng tán thành và thông qua chủ trương thành lập Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; chương trình BS-MS; chương trình đào tạo song ngành; và đề án Scopus. Riêng về đề án đào tạo song ngành, hầu hết thành viên hội đồng đều ủng hộ và cho rằng đề án được thực hiện sẽ giúp đa dạng hóa các hình thức đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao có kiến thức sâu, rộng, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

(Theo báo Tuổi Trẻ)

Vân Anh - Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục