Hàng ngàn người cung rước Đức Phật
Báo SGGP đưa tin, tối 15/5, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM tổ chức lễ cung rước kiệu kim thân tôn tượng Đức Phật sơ sinh từ tổ đình Ấn Quang về lễ đài chính của Phật giáo TPHCM - Việt Nam Quốc Tự cử hành Lễ Mộc dục (Tắm Phật).
Theo đó, tượng Đức Phật sơ sinh tại lễ đài tổ đình Ấn Quang, sau đó cung thỉnh kim thân Đức Phật sơ sinh khởi hành từ tổ đình Ấn Quang đến Việt Nam Quốc Tự - nơi có lễ đài chính của Phật giáo TPHCM kính mừng Phật đản Phật lịch 2568. Đoàn chư tôn đức tăng ni, đoàn thiếu nhi, nghệ sĩ, hàng ngàn Phật tử trang nghiêm cung rước Đức Phật.
Tại Việt Nam Quốc Tự, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, Trưởng Ban tổ chức Đại lễ đã chủ trì khóa Lễ Tắm Phật, chư tôn đức giáo phẩm Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM niêm hương, chí thành đảnh lễ Đức Phật sơ sinh theo truyền thống.
Toàn thể đạo tràng trang nghiêm hướng đến tôn tượng Đức Phật đản sinh, trang nghiêm thực hiện khóa tụng sám Khánh đản, cử hành nghi thức Mộc dục (Tắm Phật) theo truyền thống.
TPHCM sắp đổi tên nhiều tuyến đường
Báo Thanh Niên cho biết, Sở VH-TT đã gửi báo cáo HĐND TPHCM về công tác đặt tên, đổi tên đường trên địa bàn. Trước đó, tháng 3/2024, Sở VH-TT gửi văn bản đề nghị lấy ý kiến người dân đối với phương án đặt tên các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh cho 4 đoạn quốc lộ (QL): 1, 1K, 22 và 50. Đến nay, một số địa phương đã có văn bản phản hồi.
Trong đó, UBND TP.Thủ Đức cho rằng không nên đặt quá nhiều tên cho tuyến QL1 qua địa bàn TPHCM, đồng thời đề xuất đặt tên Đỗ Mười cho tuyến QL này. Đối với phương án đặt tên đường Phan Văn Khải cho QL22 (đoạn từ cầu An Hạ đến ranh tỉnh Tây Ninh), UBND H.Củ Chi đã lấy ý kiến 4.848 hộ dân, chỉ 2 hộ không đồng ý. Một số ý kiến thì đề xuất đặt tên Phan Văn Khải cho toàn tuyến để xứng đáng với công lao của ông.
Đối với đề xuất đặt tên đường Lê Quang Đạo cho QL22 (đoạn từ ngã tư An Sương đến cầu An Hạ), có 42/1.000 hộ dân được lấy ý kiến ở H.Hóc Môn đề nghị giữ nguyên tên QL22 vì đã quen thuộc, đổi tên sẽ gây bất tiện, khó khăn trong việc làm thủ tục hành chính, đổi giấy tờ. Các tuyến đường còn lại, địa phương đang tiếp tục lấy ý kiến người dân.
Sở VH-TT cũng cho hay đang lấy ý kiến Hội Khoa học lịch sử, Hội Di sản văn hóa, Ủy ban MTTQ VN TPHCM và các cơ quan chuyên môn đặt tên công viên 30/4 (rộng hơn 3,5 ha ở P.Bến Nghé, Q.1) đối với công viên trước Hội trường Thống Nhất và đặt tên Trần Quý Kiên cho cầu trên đường Trần Quý Kiên (tên tạm gọi là cầu qua đảo Kim Cương, thuộc TP.Thủ Đức).
Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TPHCM thu hút khách tham quan
Báo Pháp Luật TP thông tin, vừa qua, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn - SECC, số 799 đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), Hội lương thực thực phẩm (LTTP) TPHCM tổ chức lễ khai mạc “Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TPHCM lần thứ 3 năm 2024” (HCMC FOODEX 2024).
Triển lãm HCMC FOODEX thu hút hơn 400 doanh nghiệp (DN) là những thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực lương thực thực phẩm của TPHCM các tỉnh thành cùng các đơn vị quốc tế.
Với quy mô 500 gian hàng, các DN trưng bày giới thiệu sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm LTTP dạng thô, sơ chế như nông sản, thủy hải sản, gia vị…. Hàng loạt các gian hàng như cà phê, trà sữa, bột làm bánh, thực phẩm chế biến… còn có hoạt động dùng thử miễn phí hoặc khuyến mãi, giảm giá nên thu hút đông khách tham quan.
Điểm nhấn của triển lãm là ngày 16-5 diễn ra cuộc thi nấu ăn chủ đề “Hồn Việt trong ẩm thực đương đại” khi ban tổ chức yêu cầu các đội thi sử dụng nguyên liệu nông sản Việt Nam để chế biến. Cuộc thi kỳ vọng sẽ giới thiệu ẩm thực đặc sắc của Việt Nam đến khách tham quan trong cũng như quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản Việt Nam.
TP.HCM và Đại học Sydney hợp tác về y tế và tăng trưởng xanh, bền vững
Báo Tuổi Trẻ cho hay, sáng 15-5, trong chuyến thăm Đại học Sydney của đoàn đại biểu TP.HCM đã diễn ra 2 buổi ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác.
Trong đó biên bản ghi nhớ giữa Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Viện Net Zero, Viện Đại học Sydney Việt Nam đã chính thức mở ra cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực phát triển, trao đổi và thúc đẩy nhận thức của xã hội đối với các công nghệ và hệ thống, nhằm thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng không toàn cầu.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Tổng lãnh sự Việt Nam tại New South Wales, Queensland và Nam Úc Nguyễn Đăng Thắng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Anoulack Chanthivong và các đại diện từ Đại học Sydney chứng kiến buổi ký kết.
Trong nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có nêu 6 chính sách đặc thù, trong đó có quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết đã và đang mở rộng cánh cửa đổi mới, sáng tạo, thu hút nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực này.
Sự ra đời của Viện Đại học Sydney Việt Nam trong bối cảnh này sẽ góp phần tăng cường hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, viện nghiên cứu tại thành phố, đồng thời đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM.
Ra mắt Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại khu nhà trọ công nhân
LĐLĐ quận Bình Tân tối 15/5 đã ra mắt Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Nhà trọ Thạch Thành (30 Nguyễn Triệu Luật, phường Tân Tạo). Tin trên báo NLĐ.
Không gian trưng bày hàng trăm đầu sách, tư liệu quý về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt trang trọng tại khu vực sinh hoạt chung của khu trọ, giúp người lao động dễ dàng tiếp cận, nghiên cứu, thấm nhuần lời dạy để học tập theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác.
Tham gia chương trình, gần 200 người lao động còn được tuyên truyền về chuyển đổi số, chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, hướng dẫn sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số và sân chơi Giờ thứ 9 với các hoạt động như đố vui có thưởng, văn nghệ…
Trong khuôn khổ chương trình, LĐLĐ quận Bình Tân cũng đã ra mắt điểm phúc lợi đoàn viên, bày bán các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, tiêu dùng với giá ưu đãi từ 5%-30% cho người lao động ở trọ.
Các vở diễn đề tài lịch sử - cách mạng trở lại với công chúng
Theo báo Phụ Nữ TP, từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 6 vở diễn đề tài lịch sử và truyền thống cách mạng đến với khán giả. Các vở diễn bao gồm cả cải lương, kịch nói lẫn rối nước, từ sân khấu người lớn đến sân khấu thiếu nhi. Đáng mừng hơn, phần lớn tác phẩm đều được đánh giá cao, nhận được nhiều tình cảm từ người xem.
Đầu tiên, phải kể đến vở cải lương Người ven đô (kịch bản: Minh Khoa; chuyển thể: Nguyễn Gia Nghiệm; đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hoa Hạ) của sân khấu Đại Việt công diễn vào tối 27/4 nhân kỷ niệm 49 năm ngày thống nhất đất nước. Đây là tác phẩm rất được mong chờ, khán giả muốn biết ê kíp vở diễn sẽ vượt qua áp lực như thế nào khi cái bóng của bản dựng năm 1976 trên sân khấu đoàn cải lương Sài Gòn 1 là quá lớn.
Trước đó không lâu, vở Khúc tráng ca thành Gia Định của nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng ra mắt với ấn tượng đầy mới mẻ. Đây là kịch bản hoàn toàn mới của tác giả trẻ Phạm Văn Đằng. Đạo diễn Hoa Hạ cũng mang đến một bản dựng “đậm chất hành động”, hấp dẫn người xem. Vở diễn cũng thể hiện góc nhìn cởi mở hơn khi khai thác một giai đoạn lịch sử nhiều đau thương của dân tộc và ghi nhận công lao của cả những “người hùng chiến bại” - điều rất hiếm thấy ở những tác phẩm lịch sử trước đó.
Mới đây nhất, sân khấu Sen Việt đã công diễn vở Lá cờ thêu 6 chữ vàng (tác giả: Nguyên Phương; đạo diễn: NSƯT Nguyên Đạt), trước khi ra Bắc dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng 2024. Tuy chưa thật xuất sắc nhưng hình thức nhạc kịch dân ca Nam Bộ cũng là một nét mới, là cách đưa âm nhạc dân tộc đến gần với người trẻ.
TPHCM mưa trắng trời, đường phố ngập trong biển nước
Thông tin trên VietNamPlus, chiều 15/5, TPHCM xuất hiện cơn mưa lớn trên diện rộng khiến nhiều tuyến đường, tuyến phố trên địa bàn ngập sâu. Đây là trận mưa lớn nhất từ đầu năm đến nay, giúp thành phố hạ nhiệt sau một mùa khô nóng kéo dài. Mưa xuất hiện vào đúng giờ tan tầm khiến giao thông nhiều nơi tê liệt.
Theo thông tin từ Ứng dụng cảnh báo ngập UDI Maps của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cơn mưa xuất hiện vào khoảng hơn 16 giờ từ thành phố Thủ Đức và các huyện vùng ven, sau đó tiến dần vào khu vực trung tâm như quận 1, quận 3, quận 10…
Mưa đặc biệt lớn tại thành phố Thủ Đức khiến các tuyến đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Lã Xuân Oai… ngập sâu. Đến hơn 18 giờ, tại nhiều nơi, trời vẫn chưa tạnh.
Tại các quận 10, 11, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình…, mưa lớn kèm gió giật mạnh. Một số tuyến đường ở quận Gò Vấp như: Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Phan Huy Ích… bị ngập sâu.
Hương Thảo - Huỳnh Nhung (Tổng hợp)