TPHCM: Công bố Báo cáo phân tích dữ liệu về ATGT giai đoạn 2020 - 2022

14:57 09/05/2024

(HMC) - Sáng 9/5, tại Trung tâm Báo chí, Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM phối hợp Tổ chức Vital Strategies, đối tác của Quỹ Bloomberg Philanthropies, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật Dự án Sáng kiến Vì ATGT đường bộ toàn cầu tại TPHCM giai đoạn 2015 - 2025 tổ chức Hội nghị công bố Báo cáo phân tích dữ liệu về ATGT tại TPHCM và kỹ thuật phân tích số liệu thành các giải pháp ATGT.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP Nguyễn Thành Lợi cho biết, trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ tích cực, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các chuyên gia quốc tế và chính quyền địa phương thông qua nhiều dự án nâng cao ATGT, cùng với sự vận dụng linh hoạt và sáng tạo các bài học kinh nghiệm thực tiễn thành công ở nhiều nước trên thế giới vào điều kiện cụ thể của Thành phố đã góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong công tác nâng cao ATGT trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, trong đó phải kể đến dự án Sáng kiến Bloomberg vì ATGT Đường bộ Toàn cầu (BIGRS) do Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ.

Hội nghị nhằm cung cấp các bằng chứng quan trọng về tình hình ATGT với cái nhìn sâu sắc, đồng thời cung cấp tài liệu khoa học kịp thời và thực tiễn về các nguy cơ tiềm ẩn đối với người tham gia giao thông yếu thế như người đi xe máy, người sử dụng phương tiện thô sơ, người đi bộ. 

Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc hội nghị.
Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP Nguyễn Thành Lợi phát biểu khai mạc hội nghị.

Đồng thời, giúp các cơ quan chức năng của TPHCM, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước sử dụng các kết quả như một trong những bằng chứng khoa học để tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các sáng kiến để nâng cao mức độ ATGT cho TPHCM trong tương lai.

Đại diện Ban ATGT cũng cho biết, thông qua báo cáo, các chuyên gia đã cung cấp những bằng chứng quan trọng về tình hình an toàn giao thông; đồng thời cung cấp tài liệu khoa học kịp thời và thực tiễn về các nguy cơ tiềm ẩn đối với người tham gia giao thông yếu thế trên địa bàn như: người đi xe máy, người sử dụng phương tiện thô sơ, người đi bộ…

Bên cạnh việc đảm bảo tốt về hạ tầng, hành lang pháp lý, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó, hình thành ý thức tham gia giao thông văn minh, an toàn cho người dân. Đây là yếu tố quyết định dẫn đến sự an toàn cho mỗi người khi tham gia giao thông. 

Ông Bùi Nhật Minh, Công ty Cổ phần UTC2, Trường Đại học Giao thông vận tải (Phân hiệu TPHCM) trình bày Báo cáo phân tích dữ liệu về ATGT tại TPHCM.
Ông Bùi Nhật Minh, Công ty Cổ phần UTC2, Trường Đại học Giao thông vận tải (Phân hiệu TPHCM) trình bày Báo cáo phân tích dữ liệu về ATGT tại TPHCM.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Bùi Nhật Minh, Công ty Cổ phần UTC2, Trường Đại học Giao thông vận tải (Phân hiệu TPHCM) cho biết, năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 14.510 vụ tai nạn, trong đó 6.700 ca tử vong và 10.804 người bị thương, TPHCM cũng xảy ra khoảng 2.925 vụ tai nạn, trong đó 560 người tử vong và 2.039 người bị thương.

Báo cáo cũng cho thấy, sau đại dịch COVID-19, số ca tử vong do TNGT có xu hướng tăng vọt. Trong đó, giai đoạn 2020 - 2022, tỷ lệ tử vong ở người điều khiển xe máy chiếm 86% số ca tử vong do tai nạn giao thông. Người điều khiển xe máy tử vong chủ yếu do va chạm bởi xe máy khác (chiếm 37,9%), xe tải nhỏ (chiếm 30,4%) và xe tải nặng (chiếm 14%). 

Số vụ tai nạn giao thông gây tử vong tại TPHCM đã giảm dần từ năm 2016 đến 2021, với chỉ số tử vong trên 100.000 dân giảm từ 9,5 xuống 5,3. Tuy nhiên, vào năm 2022, số vụ tai nạn giao thông gây tử vong tại TPHCM đã tăng lên, với chỉ số tử vong trên 100.000 dân tăng lên 6,8.  
Số vụ tai nạn giao thông gây tử vong tại TPHCM đã giảm dần từ năm 2016 đến 2021, với chỉ số tử vong trên 100.000 dân giảm từ 9,5 xuống 5,3. Tuy nhiên, vào năm 2022, số vụ tai nạn giao thông gây tử vong tại TPHCM đã tăng lên, với chỉ số tử vong trên 100.000 dân tăng lên 6,8.  

Từ kết quả báo cáo, đại diện Trường Đại học Giao thông vận tải đề xuất một số giải pháp nhằm kéo giảm tình trạng tai nạn giao thông. Cụ thể: Ưu tiên giải quyết các điểm đen và tuyến đường nguy hiểm; Xây dựng cơ sở hạ tầng cho người đi bộ; Phát triển các lựa chọn giao thông công cộng; Ưu tiên an toàn cho người điều khiển xe máy thông qua các biện pháp giảm tốc độ; Triển khai các chiến dịch tuyên truyền; Giải quyết vấn đề chất lượng dữ liệu; Can thiệp cho các trường hợp tự gây tai nạn; Công bố Báo cáo An toàn Đường bộ định kỳ bằng cách thể chế hóa quy trình thu thập và phân tích dữ liệu, chia sẻ dữ liệu.

Linh Nhi

Tin cùng chuyên mục